Từ năm 1927 nhiều tổ chức quần chúng nữ bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các chị em phụ nữ tham gia. Giai đoạn này, các chị em phụ nữ đã dần khẳng định vai trò và vị trí của mình trong xã hội từ các nhóm tuyên truyền, các tổ học nghề, các cuộc đấu tranh với hàng ngàn chị em phụ nữ tham gia...
Năm 1927, ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) là chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.
Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
Đặc biệt, vai trò quan trọng của chị em phụ nữ đã được khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng “Nam nữ bình quyền” vào ngày 3/2/1930. Bởi lúc này Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt Nam".
Ý nghĩa của Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã và đang khẳng định được quyền bình đẳng cũng như vị thế trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Minh chứng, trong nhiều năm qua, chúng ta đã thấy và chứng kiến những người phụ nữ đã tham gia và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong của Đảng, Nhà nước như: Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...
Đặc biệt, rất nhiều nữ doanh nhân đã thành công, đóng góp rất nhiều cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế như: Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank; Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên - người thuyền trưởng của Vinamilk...
Đúng như 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho chị em phụ nữ: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” - giai đoạn hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã và đang nỗ lực, ngày càng khẳng định vị thế, năng lực cũng như vai trò, đóng góp sức mình vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Và nhân dịp 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, hãy cùng tôn vinh những người phụ nữ, tôn vinh tất cả sự hi sinh thầm lặng của họ. Họ đã góp phần, chung tay xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc; đất nước phồn thịnh.
Để ngày 20/10 thêm ý nghĩa, phái mạnh hãy dành tặng cho những người phụ nữ thân yêu xung quanh mình những bông hoa xinh xắn hoặc những món quà đặc biệt để bày tỏ sự biết ơn, sự quan tâm của mình.